Ngay từ đầu những năm 2000, Viện Khoa học vật liệu (KHVL) đã có chủ trương đẩy mạnh hoạt động ứng dụng các kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Cơ hội có được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực phân tích, đánh giá vật liệu là một “cú hích” mạnh dẫn tới sự ra đời của Trung tâm dịch vụ đánh giá hư hỏng vật liệu (Quyết định số 53/QĐ-KHVL do Viện trưởng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 13/2/2004).Tháng 3 năm 2005, Trung tâm dịch vụ đánh giá hư hỏng vật liệu được đổi tên thành Trung tâm Đánh giá hư hỏng vật liệu, tên tiếng Anh: Center of Materials and Failure Analysis (COMFA) theo quyết định số 121/QĐ – KHVL, ngày 10/3/2005.  

Giai đoạn 1: Xây dựng COMFA (5/2005 – 4/2009)

Từ (5/2005 – 4/2009), COMFA triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật Việt Nam – CHLB Đức, mục tiêu của dự án là “Tăng cường năng lực toàn diện cho Viện Khoa học vật liệu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tiên tiến về kiểm tra vật liệu phục vụ công nghiệp”.

Dự án đã cung cấp cho IMS/ COMFA các thiết bị cơ bản nhất, và nguồn nhân lực có trình độ, thông qua hoạt động đào tạo tại Thái Lan, Đức, Malaysia (29 tháng thực tập sinh) và đào tạo trong nước do các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao đến từ các nước Thái Lan, Đức, Malaysia, Hàn Quốc đảm nhiệm (30 tháng chuyên gia).

Trên cơ sở Bản ghi nhớ được ký giữa IMS và KIMS (Viện Khoa học vật liệu Hàn Quốc), 24/1/2007, Hợp tác hỗ trợ kỹ thuật giữa IMS/COMFA và KIMS/ FACE (Trung tâm phân tích hư hỏng thuộc KIMS) đã chính thức được triển khai từ 7/2007 và kết thúc 12/2011. Hợp tác tập trung vào nâng cao năng lực cho COMFA trong lĩnh vực Phân tích hư hỏng và Đánh giá hiện trạng để phục vụ cho doanh nghiệp Việt Nam & Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Hợp tác COMFA – FACE là cơ sở cho việc hình thành Dự án hợp tác kỹ thuật ASEAN – Hàn Quốc (11/2009 – 10/2011).

Đội ngũ của COMFA lúc đó là một số cán bộ được điều chuyển từ các phòng chuyên môn liên quan, một vài sinh viên mới ra trường, còn rất lạ lẫm với kỹ thuật phân tích vật liệu và đánh giá hư hỏng, trình độ tiếng Anh cũng còn rất hạn chế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao độ của các thành viên COMFA, sự hướng dẫn nghiêm khắc, chuyên nghiệp và tận tình của các thầy – chuyên gia, đến giữa năm 2006, COMFA đã bắt đầu cung cấp những dịch vụ phân tích đầu tiên với doanh thu rất khiêm tốn.

Bằng việc tích cực quảng bá thông qua hàng loạt các biện pháp như tổ chức hội thảo công nghiệp theo chuyên đề, truyền thông, xây dựng trang web riêng, đặc biệt là việc tổ chức liên lục các chuyến tham quan, khảo sát công nghiệp, học và thực hành trên chính các vấn đề của nhà máy v.v…, doanh thu của COMFA đã tăng lên hàng năm. Cuối năm 2009, COMFA đã có thể cung cấp cho thị trường công nghiệp hơn 10 loại dịch vụ kỹ thuật, trong đó, có những kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, với một doanh thu đáng khích lệ. Cũng trong năm 2009, Phòng thí nghiệm COMFA được công nhận là phù hợp với hệ thống quản lý ISO/IEC 17025 với số hiệu Vilas 346.

Sau bốn năm thực hiện dự án, bằng sự lao động không biết mệt mỏi và quyết tâm cao độ của cả Thầy và Trò, sự ủng hộ mạnh mẽ của Viện KHVL, cộng với trách nhiệm cao của những người làm công tác quản lý, COMFA lộ rõ hình hài là một đơn vị có năng lực kỹ thuật và hệ thống quản lý phòng thí nghiệm tuân thủ tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Dự án được đánh giá rất thành công, một kỹ thuật mới – Phân tích hư hỏng được tiếp cận và ứng dụng cho công nghiệp Việt Nam.

Giai đoạn 2: Phát triển COMFA (2010 – 2015)

Chương trình “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” Việt Nam – Đức đã không được tiếp tục pha thứ 2 như dự kiến ban đầu. COMFA như một đứa trẻ đi chưa vững đã phải tự lớn lên, nguy cơ “chết yểu” luôn rình rập, hiện hữu. Trong khi đó, nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật của doanh nghiệp trong nước gia tăng, đặc biệt là phân khúc kỹ thuật tiên tiến. COMFA đã nhận thức được rằng giải pháp duy nhất để cứu mình và đáp ứng được tốt hơn nhu cầu thực tế là COMFA phải tiếp tục được đào tạo từ nguồn lực bên ngoài và không ngừng tự đào tạo.

Từ nhận thức đó, COMFA đã nỗ lực trong hoạt động tìm kiếm nguồn tài trợ, kết quả là COMFA đã được phê duyệt thêm 02 dự án mới và tiếp tục giai đoạn 2 của hợp tác IMS/COMFA và KIMS/ FACE.

Dự án hợp tác kỹ thuật ASEAN – Hàn Quốc

Có 07 nước trong khối ASEAN tham gia dự án: Cambodia, Indonesia, Lao, Malaysia, Philippines, Thailand và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam (IMS/COMFA) là người đề xuất và điều phối phía ASEAN. Kinh phí thực hiện Dự án do chính phủ Hàn Quốc tài trợ trong 2 năm (11.2009 – 10.2011). Hai khóa đào tạo tập trung ngắn ngày (04 tuần/khóa) cho học viên các nước ASEAN được thực hiện tại KIMS. Hoạt động tư vấn tại và đào tạo tại các nước ASEAN do các chuyên gia Hàn Quốc đảm nhiệm.

Dự án hợp tác 3 bên Việt Nam – Thái Lan – Đức

Dự án được thực hiện trong 2 năm (08/2010 – 09/2012) hướng tới nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc 3 ngành: sản xuất đường mía, sản xuất giấy và chế tạo phụ tùng xe ô tô/xe máy thông qua việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật được nâng cấp của COMFA.

Các dự án này đã qui tụ được các chuyên gia Đức, Thái Lan (TISTR/MPAD), Hàn Quốc và Malaysia đã từng tham gia Dự án hợp tác kỹ thuật Đức (2005 – 2009).  Đội ngũ của COMFA môt lần nữa được đào tạo nhắc lại và nâng cao, chuẩn bị cho sự trưởng thành của COMFA trong tương lai.

Hợp tác IMS/ COMFA và KIMS/ FACE, giai đoạn 2 (2010 – 2011)

Trong giai đoạn này hợp tác tập trung vào nâng cao năng lực về Đánh giá hiện trạng và làm quen với kỹ thuật mới liên quan tới Dự báo tuổi thọ chi tiết thiết bị.

Trong giai đoạn 2, năng lực của COMFA về Phân tích hư hỏng và Đánh giá hiện trạng được cải thiện rõ rệt, COMFA được biết đến nhiều hơn trên thị trường công nghiệp và tự tin bước vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại hơn, nhưng có nguy cơ cao hơn, đòi hỏi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn sản xuất  như: lọc dầu, hóa chất/phân bón, sản xuất nhiệt điện và thủy điện. 

Giai đoạn 3 (2015 đến nay): Mở rộng lĩnh vực hoạt động, tăng cường hợp tác quốc   

Từ năm 2015 đối tượng khách hàng của COMFA được mở rộng hơn, đến nay, COMFA đã có khoảng 200 khách hàng/đối tác và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà máy lớn: Nhiệt điện Phả Lại, Nhiêt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Nghi Sơn, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Lọc dầu Nghi Sơn, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, các Công ty Bảo hiểm v.v…, COMFA cũng là đối tác của nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật có tiếng tại Việt Nam như Apave, NPS, Phateco, GTC, TTA …  

Cũng trong giai đoạn này COMFA tiếp tục mở rộng hơn mạng lưới hợp tác Quốc tế, không chỉ để học tập và trao đổi kinh nghiệm mà còn để cùng nhau giải quyết các yều cầu cao hơn của công nghiệp Việt Nam. COMFA thông qua Viện KHVL đã ký các Thỏa thuận ghi nhớ với các Viện/Trung tâm trong khu vực châu Á – Đông Nam Á như Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản (NIMS), Trung tâm Công nghệ vật liệu và kim loại MTEC, Thái Lan, Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp ITRI, Đài Loan…

Hàng năm COMFA tổ chức các Hội thảo quốc tế theo các chuyên đề, với sự tham gia trình bày của nhiều chuyên gia dày kinh nghiệm đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Canada, Ấn Độ…  Cùng với đội ngũ của COMFA, các chuyên gia còn tham gia giảng dạy và tư vấn trực tiếp cho các nhà máy Việt Nam trong lĩnh vực phân tích/kiểm tra vật liệu, phân tích hư hỏng và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, con đường mà COMFA đã đi qua không hề bằng phẳng với các dự án quốc tế, mà là sự khổ luyện, sự phấn đấu nỗ lực để làm chủ các kỹ thuật mới, sự rèn luyện tác phong năng động và thái độ sẵn sàng phục vụ để đáp ứng yêu cầu của thị trường công nghiệp.  Mặc dù đâu đó vẫn còn những khó khăn, tồn tại, nhưng chúng tôi tự hào về chặng đường lịch sử của mình và không ngừng hoàn thiện để COMFA luôn là địa chỉ tin cậy của công nghiệp Việt Nam. 

 

Các bài viết liên quan